Đến thời điểm này, huyện Đông Anh (TP Hà Nội) đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng, phát triển huyện thành quận và đủ điều kiện theo tiêu chuẩn tối thiểu quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện huyện đang tích cực phối hợp với các sở, ngành để kịp thời bổ sung theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong quá trình phê duyệt Đề án thành lập quận.
Giải pháp “đột phá”, kết quả rõ nét
Là huyện ngoại thành phía Bắc của Thủ đô Hà Nội với diện tích khoảng 185,68 km2, dân số gần 400.000 dân, việc xây dựng huyện Đông Anh lên thành quận đang đối mặt với các khó khăn, thách thức lớn.
Tỷ lệ quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt trên địa bàn huyện thời điểm này chỉ đạt khoảng 10,5% diện tích tự nhiên toàn huyện. Bên cạnh đó, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng suất lao động của tất các ngành kinh tế trên địa bàn huyện chưa cao, chưa áp dụng được nhiều công nghệ, khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất; các loại hình kinh tế đô thị như thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch chưa thực sự phát triển.
Mặc dù có vị trí vô cùng thuận lợi, tuy nhiên hệ thống hạ tầng khung của huyện còn rất thiếu và yếu. Hệ thống giao thông khung chưa được đầu tư đúng mức, thiếu tính kết nối với các trục đường giao thông quan trọng của Trung ương và Thành phố.
Với tốc độ đô thị hoá diễn ra chóng, huyện sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều thách thức từ quá trình đô thị hóa như bảo đảm an ninh, trật tự, an sinh xã hội; ô nhiễm môi trường; bản sắc, truyền thống văn hoá…
Tuy vậy, để triển khai chỉ đạo của Thành uỷ Hà Nội về xây dựng, triển khai thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận, các xã, thị trấn thành phường, cả hệ thống chính trị huyện đã quyết liệt ngay từ khi được giao.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, với sự đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, vai trò lãnh đạo của Thường trực, Ban thường vụ Huyện ủy đã được khẳng định và phát huy; sự vào cuộc mạnh mẽ của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội; sự sâu sát, quyết liệt, chủ động, sáng tạo trong điều hành của lãnh đạo UBND huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở nên các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án đã được tập trung thực hiện.
Theo đó, công tác quy hoạch là mục tiêu chiến lược của huyện, luôn đi trước một bước, là tiền đề để hoàn thành các tiêu chí đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Hoàn thành 66/87 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, được đánh giá đi đầu Thành phố trong công tác lập quy hoạch chi tiết 1/500 các điểm dân cư hiện có.
Với các kết quả nổi bật đã đạt được, Quy hoạch đã làm nền tảng vững chắc cho việc huy động mọi nguồn lực; tạo cơ sở thực hiện đột phá về hạ tầng kỹ thuật đô thị thị theo hướng thông minh, hiện đại, đồng bộ và phát triển bền vững; là cơ sở để hoàn thiện xây dựng huyện thành quận, xã, thị trấn thành phường.
Trong điều kiện nhiều khó khăn hơn thuận lợi, việc huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển đã đạt được kết quả nổi bật, bảo đảm chỉ tiêu Đề án đã đề ra. Thu ngân sách phục vụ chi đầu tư đạt đến hết năm 2024 ước đạt 23.669 tỷ đồng. Riêng trong năm 2024, dự kiến thu ngân sách phục vụ chi đầu tư đạt 11.489 tỷ đồng, tăng 9,48 lần so với năm 2018 (thời điểm lập Đề án).
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện, huyện đã khẳng định và nhận được sự tin tưởng rất lớn của Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố. Các kiến nghị, đề xuất của huyện luôn được xem xét, đánh giá cao và nhận được sự đồng thuận, nhất trí như: Phân cấp nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, thu đất dự án để tăng nguồn thu cho huyện đầu tư phát triển; điều chỉnh phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi để huyện tự cân đối; phân cấp cho huyện được đầu tư các tuyến đường giao thông đến 23m, 20 tuyến đường giao thông cấp Thành phố sử dụng ngân sách huyện; giao huyện là chủ đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 3 (là dự án Nhóm A)…
“Ngay từ khi xây dựng Đề án, huyện đã xác định 5 khó khăn, thách thức, đó là: Con người; văn hoá; kết nối giữa các thôn làng với các khu đô thị mới; phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; giải quyết các vấn đề xã hội, đảm bảo an sinh cho người dân sau giải phóng mặt bằng. Và để giải quyết những khó khăn thách thức đó, Đông Anh đã có cách làm riêng có, khoa học, bài bản khi xây dựng 15 đề án thành phần để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mà Đề án đã đề ra”, ông Nguyễn Anh Dũng nêu.
Và thực tiễn đã chứng minh rõ ràng rằng: Việc đặt vấn đề, giải quyết vấn đề là đúng và trúng. Sau hơn năm năm thực hiện, huyện đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện thành quận, xã, thị trấn thành phường; diện mạo của huyện đã có thay đổi rõ nét theo hướng hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nâng cao.
Tiếp tục ưu tiên tập trung các nguồn lực xây dựng huyện lên quận
Hiện nay, huyện Đông Anh đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện thành quận, các xã, thị trấn thành phường; đã được HĐND Thành phố thông qua chủ trương, Thành phố trình Trung ương thẩm định, phê duyệt Đề án thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cũng nhìn nhận các nhiệm vụ, chỉ tiêu để thực hiện mục tiêu xây dựng huyện Đông Anh giàu đẹp, văn minh, hiện đại còn rất lớn, việc tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt là rất cần thiết.
Do vậy, UBND huyện đề xuất tiếp tục thực hiện 13/15 đề án thành phần tại các chương trình của Huyện uỷ nhằm nâng cao các tiêu chí đã đạt, hướng tới mục tiêu phát triển quận Đông Anh giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Theo đó, để hoàn thành, nâng cao các tiêu chí và khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, UBND huyện xác định thời gian tới cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, tập trung quyết liệt trong chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp trong việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu và các giải pháp mà Đề án đã đề ra.
Đặc biệt là tập trung rà soát, tổng kết đánh giá các đề án thành phần thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận, các xã, thị trấn thành phường làm cơ sở để rút ra được các bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo giai đoạn “Đông Anh – Khát vọng phát triển” thời gian tới.
Cùng với đó, tiếp tục ưu tiên tập trung các nguồn lực và triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các tiêu chí phấn đấu đạt và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Đối với các tiêu chí đã đạt: Yêu cầu các cơ quan thường trực của các tiêu chí, thường xuyên thực hiện rà soát, kịp thời cập nhật vào các chương trình, đề án, kế hoạch để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Thực hiện rà soát các tiêu chí cơ bản đạt, xây dựng kế hoạch chi tiết và tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện nhằm hoàn thành, nâng cao tiêu chí.
Đông Anh cũng sẽ tập trung khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của huyện; đẩy mạnh công tác quản lý, tập hợp nguồn thu, đặc biệt là huy động mọi nguồn lực phục vụ chi đầu tư phát triển.
Đối với nguồn thu bền vững, thu từ thuế, phí, huyện tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch, triển khai công tác thu, công tác thu hồi nợ đọng để đảm bảo thu triệt để các khoản thu. Đối với nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, sẽ đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất do huyện thực hiện theo kế hoạch đã đề ra, trước mắt hoàn thành chỉ tiêu đấu giá năm 2024 theo Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 27/2/2024 với số thu dự kiến là 4.269 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất (ngoài các khu đất trong kế hoạch được duyệt) đủ điều kiện để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời bổ sung vào kế hoạch.
Đồng thời huyện cũng rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cấp huyện và cấp Thành phố, đối chiếu với các chỉ tiêu, mục tiêu hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành Quận để đề xuất Thành phố hỗ trợ có mục tiêu hoặc đầu tư các dự án bằng ngân sách cấp Thành phố; đề xuất Thành phố quan tâm đưa vào kế hoạch và sớm triển khai thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông quan trọng, có tính kết nối giữa huyện Đông Anh với các tuyến quốc lộ tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư, gồm: Dự án Đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường nối cầu Tứ Liên đến Quốc lộ 3 (mới); Dự án Xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đoạn từ nút giao với Quốc lộ 3 mới đến nút giao với đường Võ Văn Kiệt và đoạn kéo dài đến đường Vành đai 4; dự án Cầu Thượng Cát… từ ngân sách tập trung Thành phố; Triển khai đầu tư đồng bộ hạ tầng khung theo quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài…
Nguồn: vietnammoi.vn