97% nguồn cung nhà phố, biệt thự trong 3 năm qua tại Đà Nẵng đã tiêu thụ hết; giá bất động sản vẫn còn dư địa tăng, nhất là các khu vực phát triển mới…Đặc biệt, những định hướng chính sách vĩ mô tích cực cho tương lai lâu dài khiến bất động sản tại thành phố này đang trên đà khởi sắc, và dự báo sẽ đi vào quỹ đạo phát triển ổn định, bền vững.
Chưa tăng đến đỉnh điểm
Thống kê và đánh giá chi tiết về thị trường bất động sản Đà Nẵng từ năm 2017 cho đến đầu tháng 6/2019 của Công ty CP DKRA Việt Nam cho thấy: Bất động sản Đà Nẵng tăng mạnh ở phân khúc đất nền với mức tăng gấp 3 lần.
Đáng chú ý, 97% nguồn cung nhà phố, biệt thự trong 3 năm đã tiêu thụ hết.
Mặc dù vừa trải qua “cơn sốt” ảo khiến thị trường có phần trầm lắng, đi ngang, song “cơn sốt” đất cũng để lại cho các nhà đầu tư nhiều bài học đáng giá. Đó là không lao vào “vòng xoáy” đầu tư theo đám đông, cần tỉnh táo lựa chọn chủ đầu tư uy tín, các dự án quy hoạch rõ ràng, nằm ở những vị trí giàu tiềm năng phát triển.
Thực tế sau giai đoạn sốt đất, phân khúc đất nền, nhà phố tại các dự án lớn ở Đà Nẵng vẫn giữ giá. “Bong bóng” chỉ “xịt” ở những dự án “ảo”, bị giới đầu cơ thổi phồng, không đúng giá trị thật.
Thời điểm hiện tại, thị trường đang chứng kiến làn sóng âm thầm đầu tư vào đất nền, nhà phố để đón quy hoạch cũng như đợi cơ hội làm ăn kinh doanh lâu dài tại thành phố “thủ phủ du lịch miền Trung”.
Như đánh giá của ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo bất động sản Đà Nẵng: “Giá bất động sản Đà Nẵng vẫn chưa đến đỉnh điểm khai thác và sẽ vẫn tăng trong tương lai”.
Nhiều tín hiệu tích cực
Có thể thấy, bất động sản Đà Nẵng đang khởi sắc với nhiều tín hiệu tích cực. Đầu năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43 về Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nói về Nghị quyết 43, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương – đơn vị được giao chủ trì xây dựng Nghị quyết cho biết: “Chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2030 làm sao xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố thông minh, sinh thái, đáng sống không chỉ hàng đầu của cả nước mà còn là hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Và đến năm 2045 trở thành một trong những thành phố hàng đầu của châu Á nói chung”.
Nhìn vào mục tiêu, nhiệm vụ rất rõ ràng mà Trung ương đặt ra cho Đà Nẵng, có thể thấy bất động sản ở TP này sẽ còn là “nam châm” hút nhà đầu tư. Thêm vào đó, vừa qua chính quyền thành phố Đà Nẵng đã thuê đơn vị tư vấn Singapore tiến hành làm lại quy hoạch chung. Cùng với việc rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Singapore, Hoa Kỳ, Nhật Bản… đang đổ vốn vào Đà Nẵng, bất động sản lại càng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.
Thêm thông tin tích cực, theo phương án thống nhất của UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam tại cuộc họp gần đây, sông Cổ Cò sẽ được thông luồng toàn tuyến trước tháng 9/2020. Một khi sông Cổ Cò “hồi sinh”, thì khu vực phía Đông Nam thành phố sẽ có thêm lợi thế kinh doanh dịch vụ du lịch hai bên bờ sông. Lãnh đạo 2 địa phương cũng đã thống nhất sẽ triển khai các điểm dừng chân, vui chơi giải trí phục vụ phát triển du lịch dọc tuyến sông Cổ Cò. Như thế, phía Đông Nam có cơ hội trở thành trung tâm mới, hội tụ tiềm năng phát triển du lịch đường thủy.
Làn sóng “đi trước, đón đầu”Một nhà đầu tư có nghề tiết lộ: giới đầu tư bất động sản Đà Nẵng đang đi “săn” những khu vực được quy hoạch phát triển mạnh trong tương lai, nhất là phía Đông Nam thành phố. Quy luật đầu tư là khi thị trường nhìn có vẻ trầm lắng lại rất dễ mua. Bởi về bản chất, Đà Nẵng là đất du lịch, không có chuyện giá đất giảm, chỉ có đi lên.
Từ đầu năm, khi nhận định thông tin 2 mũi nhọn phát triển đô thị của thành phố là phía Đông Nam và Tây Bắc, giới đầu tư đã sớm nhìn ra tiềm năng khai thác, kinh doanh khách sạn, dịch vụ du lịch ở khu vực phía Đông Nam bởi lợi thế chạy dọc theo đường bờ biển. Do đó các khu vực đất nền, nhà phố được quy hoạch đồng bộ đã sớm nằm trong tầm ngắm của giới đầu tư.
Như dự án khu đô thị ven sông Nam Hòa Xuân chẳng hạn, các sản phẩm nhà phố, đất nền của dự án này liên tục được tìm kiếm, nhất là khu vực hai bên tuyến đường lớn Nguyễn Phước Lan kéo dài và các khu vực ven sông bởi tiềm năng kinh doanh nhìn thấy rõ. Hay các khu đất chạy dọc về phía Đông Nam thành phố cũng được coi là “đắt giá”.
Cùng với hơn 5 triệu lượt khách 7 tháng đầu năm nay, dự kiến cả năm 2019 đón 8,2 triệu khách, danh hiệu “thủ phủ du lịch miền Trung” vẫn thuộc về Đà Nẵng. Bởi vậy, không thể phủ nhận, thành phố sông Hàn vẫn là mảnh đất màu mỡ để đầu tư dịch vụ du lịch và bất động sản. Cho nên việc xuất hiện làn sóng âm thầm đón thời cơ tăng giá và cơ hội kinh doanh dịch vụ lâu dài ở thành phố này cũng là điều dễ hiểu.